Tại sao các Tông đồ sợ không dám hỏi Chúa?

Mấy ngày trước đây tôi cùng hai thầy chủng viện thánh Vinh-sơn được đến thăm những người vô gia cư ở thị trấn Latrobe. Chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ Lời Chúa của Chúa nhật tuần 25 thường niên năm B. Trong bài Tin mừng theo thánh Mac-cô chương 9 câu 30 đến câu 37, Chúa Giê-su mạc khải cho các môn đệ biết Ngài phải chịu chết sau ba ngày sẽ sống lại. Mặc dù các ông không hiểu điều Chúa muốn nói, nhưng không ai dám hỏi. Một người vô gia cư đã đặt câu hỏi tại sao các ông không hỏi Chúa cho rõ ràng, mà lại để cái thắc mắc đó trong lòng. Đã có một số cách giải thích khác nhau được chia sẻ trong buổi hôm đó. Riêng tôi, vì không tự tin vào khả năng ngôn ngữ của mình, nên đã không đưa ra ý kiến gì. Thay vào đó, tôi giữ câu hỏi đó trong đầu để suy nghĩ thật kĩ càng.

Trong bài viết này, tôi không có ý định chú giải Thánh Kinh. Thay vào đó, từ những hiểu biết hạn hẹp của bản thân, tôi đã đưa ra một lời giải thích cho riêng mình đồng thời cũng tìm được một bài học ý nghĩa.

Đầu tiên, tôi nhìn lại ngữ cảnh của đoạn Tin mừng. Chúa Giê-su và các môn đệ đang lên Giê-ru-sa-lem để cử hành lễ Vượt Qua. Các môn đệ cũng như những người đi theo Chúa dường như đang tin tưởng rằng, trong chuyến đi này, Chúa Giê-su sẽ giải phóng dân Ít-ra-en ra khỏi ách đô hộ của người La-mã. Với cách nghĩ của thế gian, họ trông đợi Chúa Giê-su sẽ lật đổ ách thống trị đó để lên làm vua cai trị giống như Đa-vít, tổ tiên của Ngài. Có thể Chúa sẽ dùng sức mạnh của Ngài để làm một phép lạ nào đó để giúp Ít-ra-en lấy được độc lập. Họ có lẽ đang nghĩ về một tương lai tươi sáng dưới thời Chúa Giê-su làm vua theo nghĩa thế gian. Chính vì thế mà họ tranh nhau xem ai là người đứng đầu ở đoạn sau của bài Tin mừng. Một bằng chứng khác là hai anh em Gioan và Gia-cô-bê xin Chúa cho một người ngồi bên tả một người ngồi bên hữu. Có thể nói trong tâm trí những người theo Chúa lúc đó tràn đầy hi vọng và tin tưởng vào Chúa, nhưng theo cách của thế gian.

Chính lúc họ đang mơ tưởng những điểu đó thì việc Chúa Giê-su nói rằng Ngài phải chết, sau ba ngày sẽ sống lại, như dội một gáo nước lạnh vào họ. Họ không hiểu điều Chúa nói vì nó hoàn toàn khác với cái họ đang nghĩ, đang mong đợi. Họ không muốn tin điều đó là thật. Chính vì vậy mà họ không dám hỏi. Bởi vì nếu hỏi thì họ biết họ sẽ nhận được câu trả lời không như họ mong muốn. Một người đang được mong chờ để làm vua mà bảo rằng sẽ chết thì bao nhiêu trông đợi, cũng như toan tính coi như đổ bể. Như vậy họ không dám hỏi vì họ sợ phải đối mặt với sự thật, một sự thật có thể làm họ thất vọng.

Đối chiếu với chính bản thân thì tôi cũng nhận ra nhiều lần tôi cố né tránh sự thật, những sự thật không mong muốn. Tôi vẽ ra trong đầu mình những phán xét, những hình dung thiếu tính khách quan và tin rằng đó là sự thật. Đến khi tôi có cơ hội để biết sự thật thì tôi lại cố tránh, bởi vì sự thật thì mất lòng. Dù vô tình hay cố ý thì việc né tránh sự thật sẽ dần dần phá hoại con đường nên thánh của tôi. Qua đây, tôi sẽ luôn luôn nhắc nhở bản thân phải tìm kiếm sự thật và can đảm đối mặt với sự thật. Có như vậy tôi mới tìm được hạnh phúc nơi Đấng là Chân Lý và Sự Thật tuyệt đối.

Qua việc phân tích hoàn cảnh của Tin mừng, tôi nhận thấy các môn đệ đã sợ phải đối mặt với sự thật nên sợ không dám hỏi Chúa về sự tiên báo trước cái chết của Ngài. Tôi cũng chẳng khác họ là mấy, khi mà nhiều lần cố né tránh sự thật. Vì thế, tôi sẽ luôn luôn ghi nhớ phải tìm kiếm chân lý để có thể đạt được hạnh phúc thực sự.

By Tan Nguyen