Sự Hy Sinh như Của Lễ

Là người Công giáo có lẽ chúng ta khá quen thuộc với cụm từ “hy lễ” hay “của lễ hy sinh.” Trong Thánh lễ sau khi kết thúc phần dâng lễ vật, linh mục mời gọi cộng đoàn cùng cầu nguyện để “hy lễ của tôi và cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha Toàn năng chấp nhận.” Theo truyền thống của tu viện dòng Biển Đức tại Latrobe, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, mọi thành viên trong nhà dòng sẽ chọn cho mình một sự hy sinh nào đó để thực hiện trong 40 ngày Mùa Chay. Có thể nói “hy sinh” xuất hiện mọi nơi trong đời sống của Ki tô hữu. Bởi thế, khi Mùa Chay chỉ còn một ngày nữa là bắt đầu và trong khi tôi đang cầu nguyện để tìm cho mình một việc hy sinh nào đó để thực hiện trong suốt Mùa Chay Thánh, tôi có một vài suy nghĩ cá nhân về chữ “hy sinh.”

Ý nghĩa đầu tiên của “hy sinh” là chết. Ví dụ như các anh hùng liệt sỹ chết trong chiến tranh thì chúng ta nói là các anh đã hy sinh. Ý nghĩa thứ hai không phải là chết nhưng là từ bỏ một thứ gì đó rất quan trọng, rất giá trị vì một lợi ích tốt đẹp nào đó. Khi ta nói “hy sinh đời bố củng cố đời con” không có nghĩa là người bố phải chết về mặt thể lý. Nhưng thay vào đó, nó có nghĩa là người bố từ bỏ những thứ quan trọng của chính mình để chăm lo cho tương lai người con. Cụ thể, người bố có thể hy sinh sức khỏe để kiếm tiền nuôi con ăn học. Cả hai ý nghĩa đều có thể thấy người hy sinh sẽ phải chịu một mất mát hay một thiệt hại nào đó. Nếu sự hy sinh là tự nguyện và vì một mục đích cao cả, thì sự hy sinh đó là xứng đáng và nên làm. Hy sinh còn có thể có những ý nghĩa khác, nhưng tôi chỉ muốn dựa vào hai ý nghĩa trên để làm nền cho những ý tưởng của tôi.

Trong đời sống đức tin, tôi sử dụng định nghĩa hy sinh chết đối với tội lỗi hay từ bỏ con đường tội lỗi. Điểm đầu tiên, sự hy sinh sẽ đem lại lợi ích cho chính bản thân người hy sinh. Ai cũng đồng ý rằng tội là điều xấu không nên làm nhưng vẫn phạm tội. Vì sao vậy? Vì hành vi phạm tội có thể mang đến sự thỏa mãn về thân xác, cái mà nhiều người lầm tưởng đó là cùng đích của cuộc đời. Ai cũng biết nói dối, lừa gạt là điều xấu, nhưng nhiều người vẫn thường xuyên làm bởi vì sự lừa gạt có thể đem về cho họ sự tán dương, tiền bạc, hay công danh. Những điều này thực sự làm thỏa mãn các giác quan nên nó lôi kéo con người phạm tội. Vì con người là “thân xác” nên yếu đuối, nhưng con người cũng là “linh hồn” (lý trí) nên có khả năng phân biệt thiện ác. Vì thế, để chết cho tội lỗi thì Ki tô hữu phải sống theo sự hướng dẫn của lý trí thay vì để cho đam mê thể xác điều khiển. Người hy sinh những lạc thú của thân xác chắc chắn sẽ phải chịu những đau đớn thực sự. Tuy nhiên, những đau đớn đó không thể sánh được với phần thưởng cho sự từ bỏ tội lỗi. Phần thưởng đó là chân thiện mỹ đích thực, đó là Thiên Chúa.

Bên cạnh những ích lợi cá nhân, người hy sinh còn có khả năng đem ơn phúc cho những người khác. Hãy nhìn gương Chúa Giê su, Ngài đã hy sinh mạng sống mình để đem ơn cứu độ cho nhân loại. Nếu chúng ta muốn bước theo Chúa Giê su, thì chúng ta cũng phải hy sinh mạng sống mình cho anh em. Sự hy sinh mạng sống ở đây không có nghĩa là chết trên thập giá như Chúa Giê su đã làm cách đây hơn hai ngàn năm nhưng là chết cho tội lỗi bằng việc hy sinh hãm mình. Nếu mỗi ngày chúng ta dành một vài phút để cầu nguyện cho anh chị em thì đó cũng là một sự hy sinh hãm mình. Nếu mỗi ngày chúng ta từ bỏ một tính xấu thì thay vì gây đau khổ cho anh chị em xung quanh, chúng ta đem cho họ niềm vui. Như vậy, sự hy sinh cá nhân không chỉ mang phúc lành cho người thực hiện nó nhưng còn cho cả mọi người xung quanh.

Đến đây chúng ta có thể nhìn thấy những điều tốt đẹp mà sự hy sinh mang lại. Tuy nhiên để thực hành điều đó trong cuộc sống hàng ngày không phải điều đơn giản. Đây là một cuộc chiến đấu liên lỉ không chỉ trong 40 ngày mùa chay nhưng là suốt cuộc đời. Nó quả thật rất khó vì những đam mê của thân xác như một tính tự nhiên của con người. Lý trí phải chiến đấu để vượt qua những cám dỗ của thân xác. Một lý trí không được hướng dẫn cách đúng đắn rất dễ trở nên yếu đuối và chiều theo ước muốn của thân xác. Chính vì vậy, nếu ai đó chỉ dựa vào sức bản thân mà không cậy nhờ ơn Thiên Chúa thì khó lòng mà thi hành sự hy sinh. Bởi thế, chúng ta cần nhìn nhận sự yếu đuối tự bản tính để không ngừng xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Với một đời sống cầu nguyện sốt sắng tín hữu sẽ trở nên can đảm để thi hành sự hy sinh. Quả thật, đối với con người có những thứ là không thể còn đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể (Lc 1, 37).

Như vậy sự hy sinh là chết cho tội lỗi để đem ơn phúc cho không những người hy sinh mà còn những người xung quanh. Mặc dù hy sinh đem lại nhiều ơn phúc nhưng để thực thi trong đời sống thì không đơn giản. Bởi thế, các tín hữu cần cậy dựa vào sự nâng đỡ của Thiên Chúa, Ngài sẽ ban đủ ơn cho chúng ta để chúng ta có thể can đảm hy sinh như Chúa Giê su đã hy sinh cả mạng sống cho chúng ta.