Luận về Chữ Lễ

           Dư luận xã hội đang bàn tán về đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” của giáo sư Trần Ngọc Thêm. Qua các kênh thông tin đại chúng, tôi có được biết sơ qua về lập luận của Giáo sư Thêm cũng như những ý kiến xung quanh đề xuất này. Tôi cảm thấy thực sự băn khoăn khi thấy những cách hiểu khác nhau về chữ LỄ. Cụ thể, trong phản biện của mình, Giáo sư Thêm cho rằng chữ LỄ đề cao sự phục tùng vì thế kìm hãm tư duy phản biện và sự phát triển xã hội (Lệ Thu). Giả sử cách hiểu về chữ LỄ như trên là đúng, tôi tin rằng là một vị giáo sư thì các lập luận sau đó chắc chắn sẽ hợp logic để dẫn đến đề xuất ở trên. Ngược lại nếu ngay từ ban đầu cách hiểu về chữ LỄ chưa đúng thì các lập luận sau đó không đảm bảo được tính chính xác. Tôi không nghĩ Gs. Trần Ngọc Thêm muốn bỏ qua một giá trị đạo đức nền tảng; thay vào đó, có lẽ cách hiểu của Giáo sư về chữ LỄ không bao quát đầy đủ ý nghĩa của nó. Trong bài luận này, tôi xin cung cấp cách hiểu khác về chữ LỄ trong sách Những Tấm Gương Xưa của tác giả Quách Tấn, qua đó tôi đưa ra nhận định cá nhân về hệ lụy của việc bỏ chữ LỄ.

           Trong phần bàn về Lễ Độ, Quách Tấn chỉ ra rằng, “Thất lễ là không biết trọng nhân vị của kẻ khác.” Nói ngược lại, LỄ là biết tôn trọng phẩm giá và danh dự của người khác. Bởi vậy, học LỄ là học cách nhìn nhận phẩm giá của người khác và học cách cư xử để thể hiện sự tôn trong phẩm giá đó. Có ai mà không muốn được người khác tôn trọng phẩm giá của của mình. Mà nếu muốn người khác làm cho mình thế nào thì mình cũng hãy làm cho người khác như vậy. Quy chuẩn đạo đức về chữ LỄ là một quy chuẩn mang tính lý trí chứ không phải vô căn cứ. Vì thế, nếu không có một phản biện mang tính lý trí thì không thể dễ dàng kết luận rằng LỄ là quan niệm cổ hủ, lỗi thời.

           Cách hiểu của Giáo sư Thêm về chữ LỄ dường như chỉ phiến diện một chiều. Tức là, chỉ có người học sinh mới phải giữ lễ đối với người thầy. Tôi đưa ra nhận định này vì Giáo sư Thêm đưa ra lập luận rằng LỄ đề cao sự phục tùng. Tuy nhiên, Quách Tấn chỉ ra rằng không chỉ kẻ dưới mới phải lễ độ với kẻ trên nhưng kẻ trên cũng phải lễ độ với kẻ dưới. Nói cách khác, LỄ là quy chuẩn đạo đức cho cách hành xử giữa người với người không phân biệt địa vị, bởi vì LỄ dựa trên nhân vị của con người chứ không phải địa vị. Chính vì thế, chữ LỄ trong quan hệ thầy trò không bao hàm sự phục tùng hay sự kìm hãm, nhưng chữ LỄ là sự tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ thầy trò.

            Với cách hiểu của Quách Tấn, LỄ không hề loại trừ mô hình III của văn hóa học đường hướng đến xã hội phát triển, nhưng ngược lại LỄ là nền tảng thiết yếu cho cả ba mô hình.[1] Theo tôi hiểu về ba mô hình văn hóa học đường do Giáo sư Thêm đề xuất, LỄ quyết định chủ thể của mô hình. Tuy nhiên, nếu hiểu chữ LỄ như Quách Tấn thì LỄ không những không ảnh hưởng đến chủ thể của mô hình mà còn là tiêu chí quan trọng để cả ba mô hình đạt được sứ mệnh của mình. Cho dù ai là chủ thể của mô hình thì việc tôn trọng những đối tượng khác là điều bắt buộc. Nếu thiếu đi sự tôn trọng, không đối tượng nào trong mô hình có thể thực hiện đúng vai trò của mình. Ví dụ như trong mô hình III, học trò là chủ thể chính thứ nhất nhưng khinh thường thầy giáo thì thầy giáo chẳng thể làm tròn vai trò người hỗ trợ. Ngược lại, thầy là người hỗ trợ nhưng không tôn trọng học trò thì mô hình III tự động biến thành mô hình I theo hướng tiêu cực.

            Nhìn vấn đề một cách xa hơn, việc giữ hay bỏ khẩu hiệu không phải là vấn đề lớn, nhưng việc bỏ qua chữ LỄ trong giáo dục con người thật sự là một điều đáng quan ngại. Tôi không thể tưởng tượng được con người sẽ hành xử với nhau như nào khi chẳng ai nghĩ đến việc tôn trọng người khác. Trong sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, VĂN trong câu khẩu hiệu có ý nói đến các thành tựu của tri thức. Các thành tựu của tri thức rất đáng trân trọng và tự hào. Tuy nhiên, khi không quan tâm đến nhân vị của nhau thì không tránh khỏi việc con người sử dụng những thành tựu đó để làm hại nhau. Tôi nghĩ rằng trong một xã hội phát triển thật sự cả về con người và tri thức, LỄ và VĂN phải luôn đồng hành cùng nhau. Một cái trước một cái sau nhưng không thể tách rời.

            Lời kết, với sự tôn trọng chân thành, qua bài viết này, tôi muốn thể hiện quan điểm không đồng ý với đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn.” Khởi đi từ việc xem xét hai cách hiểu khác nhau về chữ LỄ giữa Giáo sư Thêm và tác giả Quách Tấn, tôi cố gắng đưa ra những lập luận của mình để cho thấy sự quan trọng của việc học LỄ. Xa hơn nữa, sự thiếu LỄ hoặc VĂN trong giáo dục đều tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến sự thất bại trong giáo dục con người toàn diện.

Latrobe, November 27, 2021

Joseph Tan

Bibliography

Lệ Thu. “GS Trần Ngọc Thêm Kiến Nghị Chấm Dứt Khẩu Hiệu ‘Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn.’” Báo điện tử Dân Trí. Accessed November 28, 2021. https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/gs-tran-ngoc-them-kien-nghi-cham-dut-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-20211124070045871.htm.

Quách Tâń. Những Tấm Gương Xưa. Bến Tre: Nxb Thanh Niên, 2001.


[1] Xem Lệ Thu, Bảng tóm tắt ba mô hình văn hóa học đường của Giáo sư Trần Ngọc Thêm.