Đức khiêm tốn của người vĩ đại

Hai đức tính khiêm tốn và hiệp nghĩa dường như đối lập nhau. Quả vậy, người khiêm tốn thì không bao giờ đặt mình lên vị trí cao, không bao giờ thích những lời chúc tụng tung hô. Ngược lại, người hiệp nghĩa thì ao ước những sự lớn lao, nỗ lực để dành được những sự vinh quang, vinh dự. Như vậy, có phải rằng người khiêm tốn thì không thể trở nên hiệp nghĩa; hay ngược lại, người hiệp nghĩa không thể là người khiêm tốn. Tuy nhiên, nếu hiểu hai nhân đức một cách chính xác thì chúng ta có thể nhận ra rằng hai nhân đức này không những không loại trừ nhau mà còn có thể kết hợp với nhau để làm cho con người nên hoàn hảo hơn.

Tôi đã nghiên cứu và viết một tiểu luận về đề tài này bằng tiếng Anh, vì thế trong bài viết này, tôi chỉ tóm tắt ý tưởng chính. Các bạn có thể tham khảo bài tiểu luận của tôi với tiêu đề “One can be both magnanimous and humble.”

Trong luân lý Ki tô giáo, có hai loại đam mê. Loại thứ nhất là những đam mê hướng đến những điều tốt đẹp bình thường, ví dụ như, khi nhận được một lời khen thì chúng ta vui hay khi bị phê phán thì chúng ta buồn. Loại thứ hai cũng hướng đến những điều tốt đẹp nhưng có nhiều thách thức hơn để đạt được nó. Ví dụ, khi phải đối mặt với kẻ thù, có người thì sợ hãi, có người thì dám đương đầu. Khiêm tốn và hiệp nghĩa cùng tác động lên một chủ thể đó là sự đam mê hướng đến những điều thiện hảo loại thứ hai.

Sự khác nhau giữa hai nhân đức là: Người khiêm tốn thấy mình ít xứng đáng và nhận mình ít xứng đáng; ngược lại, người hào hiệp thấy mình nhiều xứng đáng và nhận mình xứng đáng nhiều. Tuy vậy, cả hai đều tuyên bố đúng với những gì họ có. Nghĩa là người khiêm tốn không hề nhu nhược và người vĩ đại thì không hề kiêu ngạo.

Thánh Tô ma Aquino lập luận một người có thể có cả hai nhân đức trên khi xét trên hai khía cạnh khác nhau. Ở khía cạnh bản tính con người, chúng ta phải khiêm tốn thừa nhận sự yếu đuối trong bản tính của chúng ta. Vì Chúa tạo dựng con người từ cát bụi và con người sẽ trở về cát bụi. Tuy nhiên, con người lại được Thiên Chúa tặng ban cho phẩm giá cao quý và ban cho trở nên con cái Người trong Đức Ki tô. Vì thế, xét về khía cạnh ân sủng, con người được gọi để trở nên vĩ đại. Và sự vĩ đại thực sự là được kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa. Như vậy, một người dù tài giỏi đến mấy thì cũng phải nhận ra những sự yếu đuối trong bản tính của mình. Đồng thời, họ cũng phải nhìn nhận những tài năng của mình được tặng ban từ Thiên Chúa, và sử dụng tài năng đó để trở nên vĩ đại. Như cha An tôn, phụ trách đan viện Xi tô tại California, đã quả quyết rằng: “Không phải vì tôi giỏi nên Chúa chọn tôi, nhưng vì Chúa chọn tôi nên tôi giỏi.”

Trong một góc nhìn khác, hai nhân đức cộng tác với nhau để là con người nên hoàn hảo. Cụ thể, đức khiêm nhường sẽ gìn giữ người hiệp nghĩa khỏi sự kiêu ngạo. Và cũng vậy, đức hào hiệp giữ cho người khiêm nhường không bị nhu nhược. Người có cả hai nhân đức này sẽ luôn luôn là chính mình. Họ không bao giờ nhìn nhận bản thân nhiều hơn hay ít hơn cái mà họ là.